Thuế thu nhập cá nhân là công cụ phân phối thu nhập, đảm bảo công bằng xã hội giữa các cá nhân và nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Cùng đi tìm hiểu một số thông tin về thuế thu nhập cá nhân và các trường hợp thuế thu nhập cá nhân khấu trừ tại nguồn cùng VNPT nhé!
1. Thuế thu nhập cá nhân khấu trừ tại nguồn là như thế nào?
Để hiểu khái niệm trên, trước tiên, cùng đi tìm hiểu một số khái niệm cơ bản về thuế và khấu trừ thuế. Thuế là khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước với các tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung. Khấu trừ thuế thu nhập cá nhân là việc doanh nghiệp hoặc cá nhân trả thu nhập tính trừ đi số thuế phải nộp trước khi trả thu nhập cho người lao động.
Theo quy định tại Điều 28, Nghị định 65/2013/NĐ-CP, các loại thu nhập phải khấu trừ thuế bao gồm: Thu nhập cá nhân không cư trú bao gồm cả trường hợp không hiện diện tại Việt Nam, thu nhập từ tiền lương, tiền công, tiền thù lao kể cả tiền thù lao từ các hoạt động môi giới; thu nhập của các cá nhân từ hoạt động đại lý bảo hiểm, xổ số, đa cấp; thu nhập từ đầu tư vốn, chuyển nhượng vốn của cá nhân không cư trú, chuyển nhượng chứng khoán; thu nhập từ trúng thưởng, bản quyền, nhượng quyền thương mại…
Khấu trừ thuế TNCN tại nguồn theo Nghị định 65/2013/NĐ-CP.
Thuế thu nhập cá nhân khấu trừ tại nguồn là loại thuế thu nhập mà cơ quan thuế sẽ thu trực tiếp bằng cách khấu trừ ngay vào khoản tiền mà doanh nghiệp trả cho người lao động.
2. Mục đích của việc khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tại nguồn
Việc áp dụng khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tại nguồn giúp kiểm soát quá trình đóng thuế của các cá nhân, tạo thuận lợi cho công tác thu thuế, góp phần giảm thiểu hành vi trốn thuế.
Đặc biệt, với các cá nhân có nhiều khoản thu nhập, cơ quan quản lý khó có thể kiểm soát toàn bộ các khoản thu của người lao động. Các cá nhân sẽ thực hiện nộp thuế và quyết toán thuế theo cách sau: Thuế thu nhập hàng tháng sẽ được khấu trừ tại từng nơi trả thu nhập, hết năm thì phải kê khai, quyết toán tại nơi làm việc cuối cùng của năm.
Việc áp dụng khấu trừ thuế thu nhập cá nhân tại nguồn giúp công tác thu thuế được thực hiện dễ dàng hơn, thuận tiện cho cả cơ quan thuế và người lao động hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của mình.
Ví dụ, anh Nguyễn Văn A làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất. Khi thực hiện trả lương hàng tháng cho Nguyễn Văn A, doanh nghiệp trích lại 1 phần theo quy định để nộp cho cơ quan thuế. Đây chính là số tiền thuế mà anh Nguyễn Văn A phải đóng vì phát sinh thu nhập hàng tháng. Đây cũng là một hình thức khấu trừ thuế tại nguồn.
3. Các trường hợp khấu trừ thuế tại nguồn
Khấu trừ thuế tại nguồn (thuế thu tại nguồn, thuế tạm thu, thuế khấu lưu, thuế trích thu…). Khoản 1, Điều 31, Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định về trách nhiệm khấu trừ thuế khi trả thu nhập cho cá nhân của công ty như sau:
Đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân có ký hợp đồng lao động: Hàng tháng các tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập khấu trừ thuế của từng cá nhân căn cứ vào thu nhập và biểu thuế lũy tiến từng phần, tạm tính giảm trừ gia cảnh theo bản khai của người nộp thuế để tính số thuế phải nộp trong tháng.
Đối với các cá nhân không ký hợp đồng lao động, doanh nghiệp phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân như sau:
- Lao động thời vụ, cộng tác viên, lao động ký hợp đồng dưới 3 tháng với mức thu nhập dưới 2.000.000 đồng/tháng thì không phải khấu trừ thuế 10%, nếu trên 2.000.000 đồng/tháng thì phải khấu trừ thuế 10%.
- Lao động thời vụ, cộng tác viên hoặc hợp đồng dưới 3 tháng có mã số thuế cá nhân và chỉ có duy nhất 1 nguồn thu nhập tại 1 nơi mà thu nhập chưa đến mức nộp thuế thì cá nhân có thể làm cam kết để không phải nộp thuế TNCN theo mẫu 02/CK-TNCN.
Người lao động có hợp đồng lao động trên 3 tháng thì thực hiện khấu trừ thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công xác định thì thực hiện khấu trừ 20% trên thu nhập.
Việc nộp thuế thu nhập cá nhân hiện nay chủ yếu được thực hiện bằng phương pháp khấu trừ tại nguồn. Doanh nghiệp sẽ khấu trừ thuế trước khi trả thu nhập cho người lao động. Sau đó, nếu thu nhập cả năm chưa đến mức phải nộp thuế TNCN thì sẽ được hoàn lại thuế
4. Các trường hợp khấu trừ thuế TNCN
Doanh nghiệp phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân khi thực hiện chi trả các khoản sau cho người lao động:
- Thu nhập của cá nhân không cư trú: Trước khi trả thu nhập, doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN cho người lao động
- Thu nhập từ tiền công, tiền lương:
- Thu nhập từ làm đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp; thu nhập từ hoạt động cho doanh nghiệp, tổ chức kinh tế thuê tài sản
- Thu nhập từ đầu tư vốn
- Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán:
- Thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú: Doanh nghiệp có trách nhiệm khấu trừ thuế nếu như nhận chuyển nhượng vốn góp của cá nhân không cư trú
- Thu nhập từ trúng thưởng: Doanh nghiệp trả tiền thưởng có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN
- Thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại: Trước khi trả tiền bản quyền, nhượng quyền thương mại cho người lao động, doanh nghiệp cần thực hiện khấu trừ thuế TNCN.
Trên đây là một số thông tin về thuế thu nhập cá nhân khấu trừ tại nguồn. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn nhiều kiến thức hữu ích hỗ trợ công việc kế toán doanh nghiệp.
Nguồn: Internet